Posted by : Bùi Quang Duy Oct 16, 2019

Hoàng Giang Sơn không kể câu chuyện yêu xa của mình với những yếu tố truyền cảm hứng hay vô vàn bài học. Tình yêu của anh với người bạn trai Nhật Bản giản đơn, không kịch tính nhưng đầy những nghĩ suy tự vấn trong đầu mỗi người. Yêu xa, cần nhiều lắm sự tin tưởng, tôn trọng và độc lập hơn.


Yêu xa thường được miêu tả dưới hai thái cực: Có những người coi yêu xa như sự lãng phí thời thanh xuân, còn người khác nhìn nhận yêu xa như một cách để "thử vàng" chuyện tình cảm với vô vàn những bài học. Trong câu chuyện của Hoàng Giang Sơn - một chàng trai 25 tuổi đến từ Hà Nội, yêu xa không rơi vào thái cực nào như người ta thường nói. Không ai đặt tình yêu để thử lửa và yêu xa hay bất cứ câu chuyện tình yêu nào cũng là điều may mắn, không phải sự lãng phí.
Một tình yêu cách nhau gần 4,000 cây số, chênh lệch tuổi tác và đôi khi vẫn bị xã hội nhìn nhận như một điều "kỳ lạ" - tình yêu đồng tính, cần bao nhiêu sự tin tưởng, độc lập và cả nghị lực để vượt qua điều đó?

Tình yêu từ ứng dụng hẹn hò

"Em với bạn trai mình cũng không có bắt đầu gì lãng mạn hay đặc biệt như trong phim đâu, tất cả cũng từ một ứng dụng hẹn hò ấy mà", Giang Sơn cười khi bắt đầu câu chuyện tình yêu của mình. Giang Sơn và Makoto, bạn trai hơn cậu gần 20 tuổi người Nhật Bản làm trong lĩnh vực IT, quen nhau khi Makoto sang Việt Nam công tác vào tháng 10/2016. Vài lần gặp nhau đi chơi, uống rượu cũng khiến hai người nảy sinh tình cảm.
"Kỷ niệm đầu tiên em nhớ về anh ấy là một lần Makoto phải nhập viện Việt Pháp vì bị tiêu chảy, chắc do không quen ăn đồ Việt Nam. Anh ấy được đưa tới viện nhưng cũng không có giấy tờ hay mang theo tiền nên em đã phải sang tận nhà anh ấy để lấy đồ giúp".
Cách hai người công khai chuyện tình cảm cũng trong một lần "tình cờ" - khi đó Makoto đã trở về Tokyo. "Có một lần mình hơi say và nhắn tin cho cậu ấy rằng "em biết anh chưa công khai, nhưng nếu giờ em công khai chuyện tình cảm của mình trên Facebook, anh có dám không?". Không ngờ anh ấy trả lời là có và khi tỉnh cơn say, mọi người đều đã biết chuyện".
May mắn hơn nhiều người khi Giang Sơn đã "come out" và được bố mẹ chấp nhận, mẹ của Sơn cũng hoạt động tích cực trong mạng lưới cha mẹ có con là người đồng tính PFLAG tại Việt Nam. Sơn từng dẫn Makoto đi Mai Châu cùng cả gia đình, nhưng lúc đó cậu vẫn chỉ nhận đó là "bạn của con ở Nhật Bản". Phải mãi tới năm ngoái, khi đưa cả nhà đi Phú Quốc du lịch, Sơn mới dám nói chuyện với bố mẹ về người bạn trai 4,000 cây số của mình.
"Trong một lần bố đèo mình ra sân bay đi Thái Lan, không lâu trước chuyến đi Phú Quốc cùng cả gia đình, mình đã quyết định ướm lời trước với bố về việc Makoto sẽ đi cùng. "Cái bạn sẽ đi Phú Quốc đó bố, bọn con quen nhau 2 năm rồi, bố muốn hỏi gì hỏi đi". Lúc đó thực sự mình đã lấy hết can đảm và sẵn sàng để bố căn vặn. Tuy nhiên, bố cũng chỉ im lặng khoảng 15 phút. Không khí căng thẳng một lúc rồi bố nói "tao thì tao biết rồi mới đồng ý, chắc người không biết chỉ có mẹ mày". Những gì sau đó giống như câu chuyện của bao gia đình có con dâu/con rể khác, bố mẹ mình còn hỏi và quan tâm đến cậu ấy nhiều hơn con trai ruột".
Nếu có điều gì khiến Sơn trăn trở trong chuyện tình cảm, đó không phải từ bạn bè hay gia đình mà chính từ khoảng cách giữa hai người và những khác biệt trong suy nghĩ, cách sống của người Việt Nam và Nhật Bản.



Yêu xa, liệu có một "công thức"?

Hỏi Sơn rằng cả hai đã bao giờ muốn dừng lại với một mối quan hệ yêu xa như vậy chưa, Sơn từng đề cập gián tiếp việc hai người có thể sẽ không có tương lai, còn Makoto thì chưa bao giờ muốn dừng lại.
"Quy tắc của yêu xa không phải là thứ viển vông hay quá khác biệt: Cần có sự tin tưởng nhau, thường xuyên liên lạc và giao tiếp, tôn trọng và độc lập. Bọn mình không bao giờ nói dối nhau và không để ghen tuông làm cái cớ để mối quan hệ tan vỡ. Khi nào cảm thấy cơn ghen đang trào dâng, một trong hai người sẽ hỏi "anh/em có thích bạn đó không?". Nếu câu trả lời là không, bọn mình tin điều đó là thật. Ở một tuổi nào đó, chúng ta sẽ đủ trưởng thành để phân biệt đâu là một cảm xúc và đâu là một mối quan hệ.
Sẽ không bao giờ có lời nói dối trong chuyện tình cảm. Nếu mọi chuyện phải kết thúc, kể cả ngày mai, hãy để nó kết thúc trong sự rõ ràng và không ai phải lấn cấn".

Yêu xa cũng cần nhiều sự độc lập, bạn sẽ không thể gọi một cú điện thoại là người yêu có mặt để an ủi hay xuất hiện trước cửa nhà khi bạn ốm.

"Mình không coi chuyện tình cảm như hai nửa trái tim ghép lại. Hai người yêu nhau là hai đường thẳng song song, yêu xa là lúc thấy điều đó rõ nhất. Chúng ta đi song hành cùng nhau trong hạnh phúc, chứ không bám víu vào cảm xúc của mỗi người để rồi những lần đường thẳng không giao nhau khiến ai đó rạn vỡ tổn thương" - "triết lý" yêu xa của Sơn là vậy. Hai người vẫn cố gắng gặp nhau 3 tháng một lần, thường là ở Việt Nam hoặc hai người sẽ đi du lịch chung cùng nhau. Dù có lý trí và rõ ràng tới đâu, nếu không những lần được gặp gỡ, chuyện tình của vài giờ bay và vài nghìn cây số chắc chỉ là ảo vọng.
Người ta trân trọng mọi cảm xúc trong tình yêu, và những người yêu xa lại càng trân trọng phút giây ngắn ngủi có được khi khoảng cách là thứ rất thật.

"Khoảnh khắc em nhận ra anh ấy có tình cảm với mình là lần ăn tối đầu tiên của cả hai người. Chỉ một ánh mắt thôi cũng đủ để em nhận ra, có thứ gì đó đã nhen nhóm giữa hai người.
Một lần khác, khi em đi Singapore để tham dự một hội nghị. Em có nhắn tin cho anh ấy và nói rằng "em thấy cảm xúc của mình đang có vấn đề vì 3 tháng rồi mình chưa gặp nhau, em muốn gặp anh". Vậy là anh ấy đã đặt vé máy bay tới Singapore để gặp em luôn vào hôm sau. Những lúc như vậy, em thực sự trân trọng những gì mình đang có".

Ngôn ngữ và văn hóa cách biệt

Khoảng cách không phải vấn đề quá lớn với Sơn và Makoto nhưng đôi khi có một thứ "khoảng cách" được xây lên từ ngôn ngữ và văn hóa. Makoto không giỏi tiếng Anh nhưng đó là thứ ngôn ngữ duy nhất hai người dùng để giao tiếp với nhau. "Anh ấy thực sự rất nỗ lực để có thể giao tiếp với mình, chiều thứ bảy nào cũng đi học tiếng Anh. Còn mình sau 3 tháng học tiếng Nhật với hai bảng chữ cái cũng đã từ bỏ".
Không chỉ khác biệt về vấn đề ngôn ngữ, cách suy nghĩ và tính cách của hai người cũng có những điểm không tương đồng. Khi ngôn ngữ không giao nhau và lối suy nghĩ cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh sống, những bất đồng là điều không thể tránh khỏi.

"Người Nhật Bản thường không thể hiện cảm xúc của mình, kể cả không hài lòng với điều gì đi chăng nữa, họ cũng vẫn sẽ cười nói vui vẻ hoặc đồng ý. Mình và Makoto đã không ít lần cãi nhau chỉ vì việc anh ấy không nói ra những cảm xúc che giấu. Một mối quan hệ cần win-win, cả hai đều cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn và ý kiến được tôn trọng. Nếu ai đó cảm thấy phải chịu đựng, câu chuyện tình sớm muộn gì cũng kết thúc. Em thì không bao giờ muốn người khác phải hy sinh cho mình.
Đôi khi điều đó khiến em suy nghĩ: Liệu bạn ấy có thực sự vui vẻ với em không? Hay đó chỉ là việc bạn ấy đang chịu đựng để tránh xung đột và giữ mọi chuyện "an toàn"?
Vì vấn đề như vậy, đôi khi hai người có những cuộc trò chuyện không biết "vui hay buồn". Makoto từng có những lần mệt mỏi chỉ vì không nói được nhân viên - anh cũng tránh việc phải đối đầu hay xung đột. Có lần, Makoto còn thấy căng thẳng khi đi chơi lễ hội té nước tại Thái Lan vì mãi không lấy được nước vào súng chỉ vì "ai cũng lao vào và không ai xếp hàng nên anh ấy không biết nên xử trí như nào".
Dẫu đầy những khác biệt trong suy nghĩ và lối sống, họ vẫn biết mình có điểm chung lớn nhất: Yêu nhau.

Có đánh mất tuổi trẻ cho những ngày yêu xa?

"Ngoài tiền ra thì không có gì đánh đổi", Sơn cười. "Vì cả hai phải bay đi bay lại nhiều lần để gặp nhau, Nhật Bản cũng đắt đỏ nữa".
"Người ta thường gán những điều tiêu cực cho yêu xa khi nó không dẫn tới đâu, một trong hai người bị ngoại tình hay yêu xa là một điều "lãng phí thời gian". Có lẽ, đó là một cách suy nghĩ "rất dị tính" khi mọi người coi cái đích cuối cùng của tình yêu không phải hạnh phúc cá nhân mà là một đám cưới. Nếu mục đích của tình yêu chỉ đúng như điều nó được tạo nên - hạnh phúc của tình yêu, thì sao nói là lãng phí thời gian được? Trước khi kết thúc một mối quan hệ yêu xa với "ngoại tình" hay "cãi vã", chúng ta hẳn cũng đã có những phút giây hạnh phúc bên nhau rồi mà.

Nhiều người nghĩ rằng họ mất cả 10 năm để yêu một người rồi lại chia tay. Chúng ta không "mất đi" cái gì cả, những năm tháng đó đã chuyển thành kỷ niệm, cảm xúc, kinh nghiệm và vô vàn giá trị tinh thần khác.
Với em, không có gì là lãng phí khi yêu xa cả, dù kết thúc có như nào đi nữa".
Câu chuyện tình nào cũng nghĩ đến tương lai, nhưng Sơn thì không biết tương lai sẽ như nào cả, dù Makoto muốn tới Việt Nam để định cư. Tháng ngày tới, khoảng cách của hai người sẽ xa hơn chút nữa khi Sơn sẽ lên đường đi Úc du học thạc sĩ. Cậu từng tâm sự với người yêu rằng.
"Em chưa bao giờ đi học nước ngoài và cũng chưa bao giờ đi nước nào tới 2 năm; đi 6 tuần đã là nhiều với em rồi. Sẽ có lúc em thấy nhiều cảm xúc và thay đổi trong suy nghĩ. Việc thay đổi nơi sống có thể sẽ khiến em thay đổi tính khí và con người nhiều nên cả hai hãy sẵn sàng trong những tình huống như vậy".

Khoảng cách từ Hà Nội tới Tokyo không xa hơn khoảng cách Melbourne tới Tokyo là bao nhiêu nhưng có những thứ khoảng cách vô hình khác sẽ lớn dần sau từng năm. Cả Giang Sơn và Makoto đều biết rằng, họ đã và đang hạnh phúc trong hiện tại, chuyện của tương lai dù có kết thúc cũng hãy để họ của tương lai giải quyết vấn đề này.

- Copyright © Bùi Quang Duy's Blog - Date A Live - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -